Khai đạo phổ độ Ngô_Minh_Chiêu

Song song với phong trào cầu cơ ảnh hưởng của Đạo giáo, một phong trào cầu cơ chịu ảnh hưởng của phong trào Thông linh học (Spiritisme)[14] của Pháp trong một nhóm công chức người Tây Ninh đang làm việc ở Sài Gòn cũng phát triển, lan tràn khắp cả Nam Kỳ[15]. Trong đó, quan trọng nhất có nhóm cầu cơ ở đường Arras[16], ban đầu gồm 4 người:

  • Cao Quỳnh Cư, Thư ký Sở Hỏa xa Sài Gòn, ngạch Tham tá (commis)
  • Nguyễn Thị Hiếu, tức Hương Hiếu, vợ Cao Quỳnh Cư
  • Cao Hoài Sang, Tham tá Sở Thương chánh Sài Gòn[17]
  • Phạm Công Tắc, Thư ký Sở Thương chánh Sài Gòn.

Do nhóm có 3 thành viên chính (nam giới) mang họ Cao và họ Phạm, nên còn được gọi là nhóm Cao - Phạm.

Ban đầu nhóm dùng phương pháp xây bàn và được cho là tiếp xúc với Thượng đế qua danh hiệu AĂÂ vào khoảng tháng 7 năm 1925[18].

Khoảng trung tuần tháng 9 năm 1925, nhóm chuyển sang dùng đại ngọc cơ để cầu cơ theo phương pháp cổ truyền của Đạo giáo. Theo các tài liệu đạo Cao Đài, thì giữa tháng 12 năm đó, nhóm được Thượng đế xưng danh Cao Đài lần đầu tiên.

Nhóm về sau phát triển thêm nhiều người, quan trọng nhất là việc thu nhận thêm Lê Văn Trung, cựu Nghị viên Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ, người về sau giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển đạo Cao Đài.

Với sự liên hệ của ông Vương Quang Kỳ, giữa các nhóm hầu cơ bắt đầu có sự liên hệ qua lại. Ngày 21 tháng 2 năm 1926, trong một buổi cầu cơ tại nhà ông Vương Quang Kỳ, có mời các nhân vật có danh tiếng của các nhóm cầu cơ cùng đến dự, một bài thờ được lưu truyền là cơ giáng của Thượng đế, trong đó có tên của 13 người, về sau được tín đồ Cao Đài xưng tụng là những tín đồ đầu tiên của đạo, với ông Ngô Văn Chiêu được tôn xưng Anh Cả:

"CHIÊU, KỲ, TRUNG độ dẫn HOÀI sanh,BẢN đạo khai SANG, QUÝ, GIẢNG thành,HẬU, ĐỨC, TẮC, CƯ Thiên Địa cảnh,Hườn, Minh, Mẫn đáo thủ đài danh."

Trong đó có tên:

  1. CHIÊU: Ngô Văn Chiêu
  2. KỲ: Vương Quang Kỳ
  3. TRUNG: Lê Văn Trung
  4. HOÀI: Nguyễn Văn Hoài
  5. BẢN: Võ Văn Bản
  6. SANG: gồm Võ Văn Sang và Cao Hoài Sang
  7. QUÝ: Lý Trọng Quý
  8. GIẢNG: Lê Văn Giảng
  9. HẬU: Nguyễn Trung Hậu
  10. ĐỨC: Trương Hữu Đức
  11. TẮC: Phạm Công Tắc
  12. CƯ: Cao Quỳnh Cư

Trong bài thơ còn nêu tên Hườn, Minh, Mẫn là ba nhân sĩ trí thức tham dự buổi cầu cơ.

Kể từ đó, những nền tảng giáo lý của Cao Đài được hoàn chỉnh dần và thống nhất giữa các tín đồ đầu tiên, đồng thời cũng hình thành dần pháp môn Ngoại giáo công truyền (hay hình nhi hạ học) theo cách gọi của phái Chiếu Minh, hay Cơ Phổ độ theo cách gọi của Cơ quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo.